HỘI THẢO PHÁT TRIỂN CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THẠCH THẤT – GIÁI PHÁP CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA THẠCH THẤT

Ngày 26/11/2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng UBND huyện Thạch Thất tổ chức Hội thảo “Phát triển các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn huyện Thạch Thất theo hướng phát triển bền vững đến năm 2030”. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhằm trình bày những kết quả bước đầu đạt được từ đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển cụm công nghiệp và làng nghề của huyện Thạch Thất theo hướng phát triển bền vững đến năm 2030” do TS. Nguyễn Thu Lan – Khoa Marketing, trường Đại học Kinh tế Quốc dân làm chủ nhiệm đề tài.


          Tham dự Hội thảo có GS.TS. Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS.TS. Vũ Huy Thông – Trưởng Khoa Marketing, trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS.TS. Phạm Thị Huyền – Trưởng bộ môn Marketing, Khoa Marketing, trường Đại học Kinh tế Quốc dân; ông Nguyễn Kim Loan – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất; cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban, lãnh đạo các xã thuộc huyện Thạch Thất, các nhà quản lý cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện Thạch Thất, các thành viên trong nhóm nghiên cứu và các nhà khoa học quan tâm tới đề tài.

Tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Vân Hoa khẳng định Đại học Kinh tế Quốc dân là trường trọng điểm trong nghiên cứu quản lý và quản trị kinh doanh, đồng thời thể hiện sự tự hào khi có nhiều lãnh đạo huyện Thạch Thất đang là học viên và cựu học viên của Đại học Kinh tế Quốc dân. Từng là Phó Ban ngân sách Thành phố Hà Nội nên GS. Hoa hiểu rõ sự phát triển của các cụm công nghiệp và làng nghề của Thạch Thất, đồng thời rất ấn tượng với những thành tích mà Thạch Thất đạt được trong sự phát triển chung của kinh tế xã hội Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên trong sự phát triển đó, Thạch Thất cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như việc quy hoạch để đảm bảo có đủ quỹ đất cho việc phát triển các làng nghề, cụm công nghiệp, xây dựng và phát triển hệ thống cụm công nghiệp và làng nghề một cách bài bản, có hệ thống, tránh phát triển manh mún, tự phát….  Kì vọng vào sự phát triển bền vững cho Thạch Thất, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đề xuất đề án và được Sở khoa học công nghệ giao chủ trì thực hiện đề án “Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển cụm công nghiệp và làng nghề của huyện Thạch Thất theo hướng phát triển bền vững đến năm 2030”. Các nhà Khoa học đã tiến hành khảo sát và nhận được sự hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương, các chủ cơ sở sản xuất, nhờ đó đã nắm được thực trạng và có được những phân tích, đánh giá và gợi mở giải pháp sơ bộ. Do đó, Hội thảo này là cơ hội để nhóm nghiên cứu thực hiện việc trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà quản lý, từ đó làm chi tiết hoá hơn các nội dung của đề án, đề xuất các giải pháp và các kiến nghị cụ thể với ban ngành cấp trên để cùng tìm kiếm sự đồng thuận, hỗ trợ từ các bên liên quan vì mục tiêu phát triển Thạch Thất theo hướng bền vững đến năm 2030, đông thời giúp đề án sớm đưa vào triển khai thực tiễn trong thời gian sớm nhất. GS. TS Trần Thị Vân Hoa cũng thay mặt cho Đại học Kinh tế Quốc dân và nhóm nghiên cứu cảm ơn sự ủng hộ của lãnh đạo Huyện, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Thạch Thất đã tận tình giúp đỡ các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu trong suốt quá trình nghiên cứu thực hiện đề án.

Đại diện cho UBND huyên Thạch Thất, ông Nguyễn Kim Loan – Phó Chủ tịch huyện khẳng định, đây là đề tài khoa học mang tính thực tiễn cao. Hiện Thạch Thất có cơ cấu về công nghiệp chiếm 70%, thương mại dịch vụ chiếm 24%, đang phát triển theo hướng công nghiệp và làng nghề rất mạnh; do đó, việc triển khai đề tài này rất phù hợp với tình hình phát triển thực tế của Thạch Thất. Đại diện lãnh đạo huyện Thạch Thất cũng gửi lời cảm ơn tới nhóm nghiên cứu về những đóng góp của đề tài cho Thạch Thất, đồng thời hi vọng nhóm nghiên cứu sẽ sớm hoàn thiện các kết quả và đưa đề tài vào ứng dụng thực tế.

Cũng tại Hội thảo, sau khi nghe TS. Nguyễn Thu Lan trình bày tóm tắt các kết quả chính của đề tài và PGS. TS. Phạm Thị Huyền trình bày sơ bộ các kiến nghị, giải pháp mà nhóm nghiên cứu đề xuất, các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo Huyện, lãnh đạo xã cùng các nhà quản lý cụm công nghiệp và làng nghề tại Thạch Thất đã thảo luận, đóng góp ý kiến, đặc biệt nhấn mạnh vào các nội dung: xử lý rác thải từ các cụm công nghiệp và làng nghề, ô nhiễm môi trường (tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải khí…), quy hoạch cụm công nghiệp và làng nghề, xây dựng hạ tầng cơ sở của cụm công nghiệp và làng nghề, vai trò và chức năng trong việc quản lý các cụm công nghiệp và làng nghề của các phòng ban chức năng địa phương…

Sau hơn 3 giờ làm việc nghiêm túc, Hội thảo đã đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt trong việc định hướng và cụ thể hoá các giải pháp, kiến nghị cho sự phát triển bền vững của Thạch Thất như: tách riêng thực trạng phát triển cụm công nghiệp và làng nghề; quan tâm tới các kiến nghị về thể chế như chính sách quản lý đời sống dân cứ trên địa bàn huyện, chinh sách hỗ trợ về thương mại dịch vụ…; làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan (thành phố, huyện, xã)…

Bài và ảnh: Khoa Marketing