Ngày 16/11/2024 vừa qua, tập thể sinh viên cùng các giảng viên hướng dẫn học tập Khóa 65 Khoa Marketing Đại học Kinh tế Quốc dân đã có một chuyến đi thực tế tại các làng nghề huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. Chuyến đi nằm trong khuôn khổ chương trình thực tế doanh nghiệp dành cho sinh viên Khoa Marketing với mong muốn gắn đào tạo với thực hành, giúp sinh viên áp dụng kiến thức chuyên ngành vào việc xây dựng các sản phẩm truyền thông thực tế. Với tinh thần: Học – trải nghiệm – gắn kết tri thức với thực tiễn, hành trình đến tại làng nghề Phú Xuyên đã mang lại cho các bạn sinh viên Khoa Marketing Khoá 65 nhiều trải nghiệm thú vị và ý nghĩa.
Hình ảnh sinh viên Khoa Marketing K65 được nghe giới thiệu về truyền thống làng nghề Phú Xuyên
Phú Xuyên là một huyện thuộc thành phố Hà Nội. Nền kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đang phát triển. Huyện có nhiều làng nghề thủ công tiêu biểu như làng nghề Tò he truyền thống ở Xuân La, làng nghề khảm trai truyền thống ở Chuyên mỹ, nghề mộc ở xã Dân Tân, nghề may mặc ở Vân Từ, nghề làm ví da, túi xách xã Sơn Hà, nghề làm giấy ở Hồng Minh, nghề dệt lụa ở Quang Trung, nghề đóng giày ở Phú yên, nghề mộc ở Tân Dân, làng nghề mây tre đan, cỏ tế xã Phú Túc…
Trong khuôn khổ của chuyến đi thực tế, các sinh viên đã có cơ hội được đến trải nghiệm và tham quan các địa điểm như: UBND xã Phú Yên; Các làng nghề đóng giày ở Phú Yên và có buổi tọa đàm cùng các cán bộ huyện tại văn phòng HDND-UBND Huyện.
Thầy và trò Khoa Marketing đến thắp hương tại khu nhà thờ Tổ nghề Giầy huyện Phú Xuyên
Mở đầu chuyến thực tế, các sinh viên khoa Marketing đặt chân đến khu nhà thờ Tổ nghề Giầy tại Phú Xuyên và được nghe về lịch sử làng nghề giầy dép da nơi đây. Có lịch sử hàng trăm năm, làng nghề giầy dép da Phú Xuyên nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tinh xảo. Qua thời kỳ kháng chiến, làng nghề gắn bó sâu sắc với lịch sử đất nước, chế tác giày dép phục vụ quân đội và hiện nay vẫn đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ hiện đại và mở rộng thị trường xuất khẩu. Làng nghề đang tiếp tục bảo tồn giá trị truyền thống và không ngừng đổi mới để hội nhập và phát triển.
Thợ thủ công tại xã Phú Yên giao lưu cùng sinh viên lớp Quan hệ công chúng K65
Hành trình khám phá làng nghề huyện Phú Xuyên trở nên thú vị hơn khi các bạn sinh viên được trực tiếp ghé thăm các cơ sở sản xuất giày da của người dân xã Phú Yên. Không chỉ được theo dõi từng công đoạn tỉ mỉ của người thợ giày từ bước cắt da cho đến các công đoạn như dính keo, mài, gắn đế, … mà ở đây các sinh viên khoa Marketing còn được lắng nghe những chia sẻ về quá trình thay đổi và phát triển trong nghề làm giày da tại làng. Biết được câu chuyện từ chính người thợ thủ công tại nơi đây mới thấy được họ đã chăm chỉ và nỗ lực nhiều như thế nào để xây dựng nên thương hiệu “Làng nghề Phú Xuyên”.
Tại đây, những người thợ đã chia sẻ về quá trình gìn giữ và phát triển nghề truyền thống trong thời đại công nghiệp, những thách thức khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, cũng như cách họ đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế. Những kiến thức thực tiễn này giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chiến lược marketing trong việc xây dựng thương hiệu và nâng tầm giá trị sản phẩm thủ công Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Không gian bày bán những sản phẩm của làng nghề
Tiếp đến, đoàn thực tế di chuyển tới Uỷ ban Nhân dân xã Sơn Hà nơi đang diễn ra Hội chợ Làng nghề có trưng bày các sản phẩm của làng nghề Phú Xuyên. Mỗi sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật. Mỗi món đồ thủ công đều mang trong câu chuyện và tâm huyết của người thợ lành nghề. Thật sự tự hào khi được trải nghiệm và khám phá nét đẹp truyền thống văn hóa hóa.
Thầy trò khoa Marketing tại UBND xã Sơn Hà
Sau khi tham quan và trải nghiệm Hội chợ Làng nghề tại UBND xã Sơn Hà, các sinh viên tiếp tục hành trình đến UBND huyện Phú Xuyên để tham dự Hội thảo: “Marketing phát triển làng nghề huyện Phú Xuyên”. Tại buổi hội thảo, các sinh viên sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về huyện Phú Xuyên, lắng nghe phần giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển, những rét đặc trưng của các làng nghề truyền thống nổi tiếng như khảm trai, mây giang đan, đồ mộc, nông sản, thực phẩm, dệt may, tơ lưới, da giày,… đến những nét nổi bật trong tình hình phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Sinh viên tham gia buổi tọa đàm “Marketing phát triển làng nghề huyện Phú Xuyên”
Đặc biệt, chương trình vinh dự đón tiếp ông Lê Văn Bính – Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, một cựu sinh viên của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Lê Văn Bính đã có những chia sẻ sâu sắc về hành trình áp dụng các kiến thức về Marketing để thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề truyền thống trong huyện.
Ông Lê Văn Bính phát biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS. Vũ Huy Thông, trưởng Khoa Marketing chia sẻ về mục đích chuyến đi và cảm ơn Ban Lãnh đạo UBND Huyện Phú Xuyên đã nhiệt tình chia sẻ thông tin về hoạt động marketing của làng nghề truyền thống Phú Xuyên, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên đến tham quan, học tập tại đây. PGS.TS Vũ Huy Thông khẳng định Khoa Marketing luôn đề cao sự hợp tác từ phía làng nghề và kỳ vọng hai bên sẽ có nhiều chương trình hợp tác trong tương lai.
PGS.TS. Vũ Huy Thông, Trưởng khoa Marketing phát biểu tại chương trình
Phát huy tinh thần ham học hỏi của sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, các bạn sinh viên đã đưa ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến từng chủ đề khác nhau về hoạt động Marketing tại Làng nghề truyền thống Phú Xuyên. Mỗi câu hỏi đều được ông Lê Văn Bính trả lời chi tiết với mong muốn truyền tải kiến thức và cảm hứng cho thế hệ trẻ. Đây là cơ hội hết sức quý giá và ý nghĩa mà sinh viên Khoa Marketing Khóa 65 được trải nghiệm trong thời gian học tập tại Nhà trường. Ông Lê Văn Bính đánh giá cao tinh thần năng động và sáng tạo của sinh viên Khoa Marketing Khoá 65 với rất nhiều những câu hỏi được đặt ra mà theo ông là rất “thú vị” và “hay”, đồng thời ông cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với nhà trường trong tương lai.
Một số hình ảnh sinh viên Khoa Marketing hứng khởi đặt câu hỏi
Ảnh lưu niệm của Khoa Marketing với cán bộ huyện tại UBND huyện Phú Xuyên
Kết thúc chuyến đi thực tế, sinh viên Khoa Marketing khóa 65 không chỉ thu thập được nhiều tư liệu và thông tin để hoàn thành các ấn phẩm truyền thông của mình mà còn được trang bị thêm nhiều kiến thức quý báu, hứa hẹn một kỳ học hiệu quả, gắn liền với thực tiễn hoạt động marketing.