Trong hai ngày 18, 19/3/2025, Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Chương trình nghiên cứu Tăng trưởng thích ứng với khí hậu (Climate Compatible Growth), Vương quốc Anh tổ chức Hội thảo tập huấn với chủ đề: Các mô hình phân tích tài chính và quản lí dữ liệu không gian trong nghiên cứu tăng trưởng tương thích với khí hậu.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía Đại học Kinh tế Quốc dân có: GS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Giám đốc Đại học; GS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý khoa học; GS.TS Đinh Đức Trường – Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị; cùng đại diện lãnh đạo các Trường, Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các tổ chức chính trị – xã hội, các cán bộ, giảng viên của Đại học.
GS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Giám đốc Đại học phát biểu
Thay mặt lãnh đạo Đại học, GS.TS Nguyễn Thành Hiếu chào mừng các đại biểu trong nước và quốc tế đến tham dự Hội thảo tập huấn về Các mô hình phân tích tài chính và quản lý dữ liệu không gian trong nghiên cứu tăng trưởng tương thích với khí hậu. GS.TS Nguyễn Thành Hiếu đánh giá cao những kết quả mà Mạng lưới CCG Việt Nam, phối hợp cùng Nhóm đối tác quốc gia CCG toàn cầu và Hiệp hội Đối tác Đại học (Đại học Loughborough, Đại học Luân Đôn, Đại học Oxford, Đại học Cambridge, Imperial, Đại học Mở, Viện Công nghệ Hoàng gia KTH – Thụy Điển), đã triển khai hiệu quả trong thời gian qua.
Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, CCG đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, và các phiên họp tham vấn trực tiếp và trực tuyến, tạo điều kiện kết nối các chuyên gia trong nước với cộng đồng học thuật quốc tế, đồng thời cung cấp những thông tin quan trọng phục vụ hoạch định chính sách. Khóa tập huấn lần này là minh chứng cho những nỗ lực đó, GS.TS Nguyễn Thành Hiếu cho hay.
GS.TS Nguyễn Thành Hiếu bày tỏ mong muốn Mạng lưới CCG Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong kết nối các đối tác trong và ngoài nước, tận dụng sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh Việt Nam để đề xuất và triển khai nhiều nghiên cứu mang tính thực tiễn cao. Đồng thời kỳ vọng những nghiên cứu này sẽ cung cấp các bằng chứng khoa học vững chắc, góp phần hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách và thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp.
Nhân dịp này, GS.TS Nguyễn Thành Hiếu cũng gửi lời cảm ơn Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị cùng Ban điều phối CCG Việt Nam vì những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Đại học Kinh tế Quốc dân và các trường đại học đối tác tại Vương quốc Anh. GS.TS Nguyễn Thành Hiếu hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác này sẽ tiếp tục mở rộng, đóng góp vào sự phát triển chung của cả hai bên.
GS.TS Đinh Đức Trường – Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị cập nhật thông tin về các hoạt động của mạng lưới CCG toàn cầu
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Đinh Đức Trường – Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Cố vấn cấp cao của mạng lưới CCG Việt Nam nhấn mạnh, để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần có những bước đi chiến lược, dựa trên các mô hình khoa học nhằm xây dựng các chính sách hiệu quả và thực tiễn. Hiện nay, bộ công cụ phân tích của CCG đang được chia sẻ miễn phí với cộng đồng khoa học và các nhà hoạch định chính sách. Thông qua các khóa tập huấn, mạng lưới CCG Việt Nam mong muốn hỗ trợ các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên ứng dụng các công cụ này vào thực tế.
TS. Naomi Tan – Trưởng nhóm mô hình, Chương trình của CCG toàn cầu cập nhật về hệ thống các mô hình, công cụ dưới hình thức trực tuyến
Trong bài chia sẻ của mình, TS. Naomi Tan – Trưởng nhóm mô hình, Chương trình của CCG toàn cầu đã giới thiệu về hệ thống 16 công cụ, mô hình đang được CCG toàn cầu triển khai trong các khóa học bao gồm: Khóa học toàn cầu EMP-G tại Italy và tại Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. Các công cụ này đóng vai trò quan trọng trong phương pháp tiếp cận Data-to-Deal, giúp kết nối dữ liệu với chính sách tài chính và huy động vốn cho các dự án tăng trưởng bền vững.
TS. Nguyễn Hoàng Nam – Điều phối viên quốc gia Mạng lưới CCG Việt Nam giới thiệu về công cụ FinPlan và các ứng dụng
TS. Nguyễn Hoàng Nam – Điều phối viên quốc gia Mạng lưới CCG Việt Nam, đã giới thiệu mô hình FINPLAN do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phát triển. Đây là một công cụ quan trọng giúp phân tích tài chính và đánh giá hiệu quả đầu tư cho các dự án năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang phát triển.
TS. Nguyễn Diệu Hằng – Giảng viên Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu & Đô thị chia sẻ và hướng dẫn thực hành FinPlan
Tiếp đó, TS. Nguyễn Diệu Hằng đã cung cấp một phần tổng quan về các khái niệm tài chính cốt lõi, phương pháp phân tích chi phí – lợi ích (CBA) và các nguyên tắc đầu tư, giúp học viên nắm vững nền tảng trước khi bước vào thực hành. Phần này rất quan trọng vì giúp học viên hiểu cách đánh giá dòng tiền, rủi ro tài chính và lợi suất đầu tư trong các dự án năng lượng.
Sau phần lý thuyết, TS. Nguyễn Diệu Hằng cũng trực tiếp hướng dẫn học viên thực hành trên dữ liệu thực tế bằng công cụ FINPLAN, giúp họ áp dụng kiến thức vào phân tích tài chính các dự án năng lượng. Các học viên đã thực hiện các bài tập đánh giá chi phí – lợi ích của một dự án điện, tính toán thời gian hoàn vốn, tỷ suất sinh lời nội bộ (IRR) và các chỉ số tài chính quan trọng khác.
TS. Lê Huy Huấn – Giảng viên Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu & Đô thị trình bày chủ đề “Quản lý dữ liệu không gian trong mô hình hóa và quy hoạch tiếp cận năng lượng”
Ngày thứ hai tập trung vào ứng dụng dữ liệu không gian trong phân tích và quy hoạch năng lượng. TS. Lê Huy Huấn đã trình bày về GIS, thu thập và quản trị dữ liệu không gian, đặc biệt nhấn mạnh Khung quy trình 6 bước quản trị dữ liệu không gian.
Trong phần trình bày, TS. Lê Huy Huấn đã hướng dẫn chi tiết cách xác định yêu cầu dữ liệu, thu thập và xử lý dữ liệu GIS, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, đánh giá chất lượng và đảm bảo tính bảo mật khi chia sẻ dữ liệu không gian. Đây là một nội dung quan trọng giúp đảm bảo dữ liệu được sử dụng hiệu quả trong quy hoạch và phát triển năng lượng bền vững.
Bên cạnh đó, học viên cũng được tiếp cận các ví dụ thực tế về ứng dụng dữ liệu không gian trong mô hình hóa tiếp cận năng lượng, bao gồm việc sử dụng GIS để xác định khu vực ưu tiên đầu tư hạ tầng năng lượng sạch, đánh giá tiềm năng điện mặt trời, điện gió và xây dựng bản đồ quy hoạch năng lượng…
Các đại biểu thảo luận về các nội dung tập huấn
Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo đã mang lại những giá trị thực tiễn quan trọng, giúp học viên tiếp cận với các công cụ hiện đại hỗ trợ thiết kế chính sách dựa trên bằng chứng và thúc đẩy các giải pháp tăng trưởng bền vững. Các chuyên gia và học viên đã có những thảo luận sôi nổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất cách ứng dụng mô hình vào thực tế tại Việt Nam.
Bài và ảnh: Khoa MT, BĐKH&ĐT và Phòng Truyền thông